Cây nén (Allium schoenoprasum) còn gọi là hành tăm, hành trắng, được trồng để làm gia vị trong chế biến các món ăn với sản phẩm chính là phần củ. Theo kinh nghiệm dân gian, ngoài công dụng làm gia vị để tạo hương vị thơm ngon hơn cho thức ăn nhất là các món được chiên, xào bằng dầu thực vật thì nén còn được dùng để chữa ho, giải cảm, thông đờm... Ở Quế Hiệp, cây nén được trồng trên vùng đất sỏi gò đồi, chủ yếu là xen canh với cây keo (Acacia). Cứ vào độ tháng 9-10 hằng năm bà con lại tranh thủ trồng xen dưới các rừng keo mới trồng sau khai thác, và khi cây keo hãy còn lo bén rễ xanh chồi, chưa kịp vươn dài cành lá thì nén lại đến vụ thu hoạch (tháng 4-5). Như vậy, cứ mỗi chu kỳ trồng keo bà con xen canh lại có thêm 1 vụ nén, vừa tạo thêm thu nhập lại vừa bảo vệ được đất, hạn chế xói mòn. Thôn Lộc Đại là nơi trồng nén nhiều nhất của xã Quế Hiệp với hàng chục héc ta mỗi năm, nhiều hộ thu 4-5 tạ nén củ mỗi vụ như hộ ông Hồ Hải, Trần Phước Sỹ, Trần Văn Hối, Nguyễn Y... cho thu nhập 30-40 triệu đồng.
Củ nén được trồng trên đất gò đồi Lộc Đại - Ảnh: ST
Theo anh Trần Thanh Chung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quế Hiệp, nén ở đây được bà con sử dụng giống tại địa phương, củ nén nhỏ và đều đặn, đặc biệt là có mùi thơm nồng rất đặc trưng nên được nhiều tư thương tìm mua tận nhà với giá bán luôn cao hơn củ nén ở nơi khác từ 30-40% và thường ổn định từ 70.000 đồng đến 90.000 đồng/kg, nếu bán nén giống có thể giá lên đến 150.000đ/kg. Nhiều bà con cho biết, năng suất trung bình ở đây khoảng 100kg nén củ/sào (500m2) và diện tích có thể trồng nén của riêng thôn Lộc Đại ước khoảng 100 ha/năm, như vậy nếu tận dụng hết tiềm năng có sẵn, mỗi năm ở đây có thể sản xuất được trên dưới 200 tấn nén củ với doanh thu cả chục tỷ đồng.
Xây dựng thương hiệu, nghiên cứu quy hoạch và hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu để tạo ra sản phẩm đặc trưng kết hợp với du lịch sinh thái Suối Tiên sẵn có tại đây sẽ góp phần khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, tạo thêm việc làm và thu nhập cho bà con nông dân xã Quế Hiệp.