Căn cứ Đặc Khu ủy Quảng Đà thuộc dãy núi Hòn Tàu được Bộ Văn hóa, Thể tha và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2012 (bao gồm xã Quế Hiệp thuộc huyện Quế Sơn và xã Duy Sơn thuộc huyện Duy Xuyên). Đó là khu vực trọng yếu mà Đặc Khu ủy Quảng Đà chọn làm nơi chỉ đạo tác chiến, trú quân, huấn luyện từ năm 1967 – 1975. Trong kháng chiến, Hòn Tàu còn là địa bàn hoạt động của Xứ ủy Trung kỳ, Khu ủy V, Tỉnh ủy Quảng Nam, Huyện ủy Quế Sơn nên còn gọi Đặc khu Hòn Tàu.
Hòn Tàu là một dãy núi thuộc dãy Đông Trường Sơn, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng 40km về hướng Đông Bắc. Đỉnh cao nhất của dãy có độ cao 953m so với mặt nước biển. Đứng trên đỉnh một ngọn núi Hòn Tàu phóng tầm nhìn về hướng Đông có thể thấy màu xanh bao la của biển, thấp thoáng xa xa đảo Cù Lao Chàm; những khu dân cư với nhà ngói đỏ, mái tôn trắng xoá, những con đường quốc lộ, tỉnh lộ ngoằn ngoèo uốn lượn qua những cánh đồng, làng mạc của vùng duyên hải, đồng bằng trù phú. Nhìn về hướng Bắc có thể thấy thành phố Đà Nẵng tráng lệ; phía Tây và Nam là địa bàn huyện Đại Lộc, Nam Giang, Hiệp Đức trùng điệp với núi đồi, những dòng nước trong xanh, những làng quê hiền hoà.
Nhiều chuyên gia phong thủy đã phong cho hệ thống núi này là “ngũ long tranh châu” với trung tâm Hòn Tàu như một hạt minh châu, tỏa ra năm hướng là năm con rồng. Con rồng thứ nhất chạy về hướng bắc với các núi Hàm Long, Chiêm Sơn là nơi yên nghỉ của hoàng hậu Mạc Thị Giai, Đoàn Quý Phi… Phía tây bắc có dãy núi đá Trạch Long, trông như những chiếc vảy đen trên mình rồng, nơi được chọn làm “tường phát địa” cho dòng tộc của Mạc Cảnh Huống, một khai quốc công thần của thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Con rồng thứ ba chạy về phía tây với các ngọn Yên Sơ, Chinh Sơn, Phú Cốc, Gia Cát, Hòn Ngang… được xem là linh địa cho “nhị kiệt Quế Sơn”. Con rồng thứ tư ở phía đông nam với nhiều dãy đồi thấp lượn… được các tộc Trần, Phạm và Nguyễn chọn làm quê hương thứ hai của mình ở xứ Đàng Trong. Các dãy núi chạy về hướng nam như Tượng Lĩnh, Dương Sơn, Nại Sơn được người trước gắn với sự thành đạt của tộc Lương và tộc Phan.
Ngoài ra, những ngọn núi của Hòn Tàu vốn gắn liền với các truyền thuyết dân gian từ ngàn xưa. Những người con Quảng hầu Nam hầu như ai cũng từng một lần nghe qua về giai thoại “Ngọn lửa xanh Núi Chúa, Hòn Đền và Hòn Quắp. Núi Chúa (Quế Lộc) mang màu sắc thần thoại”: cứ đến độ tháng Tư vào một đêm trăng sáng từ hướng núi Ngang phát ra tiếng nổ lớn, một vệt sáng xanh bay vút lên về phía Núi Chúa, người ta gọi đó là lúc “Bà về Đền”. Với Hòn Đền lại là những câu chuyện huyễn hoặc, thần bí: dẫu không ai trồng, ai chăm nhưng nơi đây vẫn có nhiều loại cây trái, vào những đêm trăng còn nghe văng vẳng tiếng hát ru, tiếng người râm ran cười nói. Hòn Quắp lại có câu chuyện tay phù thủy Cao Biền (Trung Quốc), đã kẻ những đường son ngang dọc trên nóc tảng đá để yểm long mạch không cho người dân Nam nổi dậy chống Tàu. Có thể nói, mỗi ngọn đồi, hang động, dòng suối ở Hòn Tàu đều ẩn chứa những câu chuyện mang màu sắc thần thoại về lịch sử mở cõi của cha ông.
Nhìn tổng thể về địa hình, Hòn Tàu có vị trí rất chiến lược khi cắt ngang bởi sông Thu Bồn, bắt nguồn từ núi Ngọc Linh, uốn khúc trườn qua huyện Nông Sơn và Duy Xuyên trước khi đổ ra biển; chân trải dài từ các xã Quế Phong, Quế Long, Quế Hiệp và Duy Sơn. Đặc biệt, Hòn Tàu có nhiều núi hiểm trở như Nhà Muỗi, Cù Hang, Mặt Rạng; nhiều hang động chứa lượng người lớn, làm nơi sinh hoạt, hội họp. Đây cũng là lý do Hòn Tàu được chọn làm điểm căn cứ chiến lược của quân dân ta qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ.
Trong những năm đầu chống Pháp, Hòn Tàu là căn cứ Tân Tỉnh của Nghĩa hội Cần Vương do Hội chủ Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo. Với cách bố trí phòng thủ nghiêm ngặt, địa thế hiểm trở, được quần chúng nhân dân hết lòng ủng hộ, căn cứ Tân Tỉnh đã đứng vững trước sức tấn công của thực dân Pháp. Nghĩa quân từng bước lớn mạnh, nhiều lần tổ chức các cuộc tiến công ra ngoài khu căn cứ thu được những thắng lợi đáng kể.
Trong kháng chiến chống Mỹ, để chỉ đạo sát hơn với phong trào, tháng 12-1971, Hội nghị Đặc Khu Quảng Đà đã quyết định chuyển toàn bộ các cơ quan của đặc khu từ khu A7, giáp ranh giữa Đại Lộc và huyện Giằng xuống khu vực núi Hòn Tàu. Đặc khu là nơi trú quân, chỉ huy, huấn luyện và là nơi làm việc, hội họp của các cơ quan lãnh đạo Xứ ủy Trung kỳ và Tỉnh ủy Quảng Nam. Như câu nói “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, nơi đây đã che giấu cho cách mạng biết bao kho tàng, trạm xá, nhà in cùng nhiều đơn vị bộ đội thời kháng chiến. Nhiều hang động của Hòn Tàu gắn liền với lịch sử đấu tranh của nhân dân địa phương, của những đơn vị bộ đội thời kháng chiến. Trong đó có thể kể đến Hang Mũi Thuyền (Quế Hiệp), Hang Trầm Xác Máu (Quế Long) là hai nơi hiểm trở, đầy bom mìn và thường bị địch phục kích nhưng là hành lang giao thông huyết mạch làm nên nhiều chiến tích vẻ vang thời chống Mỹ.
Căn cứ cũng là nơi chịu sự đánh phá ác liệt của địch từ phi pháo, bom, càn quét, biệt kích. Chỉ 6 tháng cuối năm 1971 đầu năm 1972, đã có 8 lần máy bay B52 của Mỹ ném bom xuống đây. Cây cối nhiều nơi bị băm nát, đất loang lổ, nhiều tảng đá bị vỡ vụn. Chưa kể các cuộc phi pháo, tập kích trên các hành lang từ căn cứ Hòn Tàu xuống các xã ven chân núi nhằm ngăn chặn đường vận chuyển lương thực, thực phẩm lên căn cứ. Đây vì thế cũng là nơi ta chịu nhiều tổn thất, mất mát: nhiều lãnh đạo Đặc khu ủy và hàng trăm cán bộ các cơ quan, ban ngành đã anh dũng hy sinh.
Không ít các sự kiện quan trọng như Đại hội Đảng bộ huyện năm 1947, 1949, 1964, 1969 và 1971 hay Đại hội đại biểu nhân dân 1968 đã diễn ra ở Hòn Tàu. Nhiều địa danh tại Hòn Tàu cũng làm nên lịch sử như Chiến khu Hoàng Văn Thụ trải dài từ Đèo Le đến Đá Ngang – Hòn Kẽm, Chiến khu Ba Nghi, Rừng Chiến Khu (Nghi Thượng), Đường Quốc Phòng, Rừng Cấm Miếu và làng Nghi Sơn - nơi Chủ tịch nước Võ Chí Công từng ở và hoạt động và cũng là nơi ra đời tờ báo Độc Lập đầu tiên.
Cũng chính tại Hòn Tàu, Đặc Khu ủy Quảng Đà đã phát ra những kế hoạch tấn công lừng lẫy như Xuân Mậu Thân – 1968, chiến dịch tiến công chiến lược năm 1972, cuộc tổng tấn công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng năm 1975. Khép lại một trang sử oai hùng của dân tộc, Căn cứ Đặc Khu ủy Quảng Đà ngày nay đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đến năm 2015, tỉnh Quảng Nam bắt đầu triển khai Dự án Bảo tồn Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia Căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà. Nay đã có đường mở rộng, bê tông hóa đấu nối với tuyến ĐH8 của huyện Duy Xuyên để ô tô vào tận khu di tích.
Nay cũng đã có nhà bia tưởng niệm; nhà đón tiếp, trưng bày; phục dựng nhà ở, nơi làm việc của các đồng chí lãnh đạo Căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà. Đứng trên đỉnh một ngọn núi thuộc Hòn Tàu, ta có thể ngắm nhìn màu xanh bao la của biển, của Cù Lao Chàm, của miền đồng bằng trù phú, đồi núi trùng điệp và những làng quê yên bình. Thật khó có thể tưởng tượng chỉ hơn 50 năm trước vùng đất yên bình này lại là một chiến trường khốc liệt với nhiều hy sinh, mất mát đến thế. Thế hệ hôm nay và mai sau phải biết trân trọng, bảo vệ, bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử - văn hóa của Hòn Tàu – Đặc khu ủy Quảng Đà. Giữ gìn, nâng niu những điểm di tích để giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho thế hệ trẻ và gắn với khai thác điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch muốn tìm đến Hòn Tàu, một ngôi nhà thiên tạo, một dãy núi kỳ vĩ, bí hiểm và đặc biệt sinh động của một thời lịch sử.