Làng làm gốm Quế An trước đây có tên là làng Lò Nồi, thuộc xã Quế An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Nghề làm gốm của làng ra đời từ khi những cư dân Việt đầu tiên đến đây chọn đất, khai phá lập làng. Gốm ở đây vốn là dòng gốm Chăm, những công cụ sản xuất gốm từ bàn xoay cho đến cách sản xuất rồi thành sản phẩm đều mang nặng linh hồn Việt-Chăm. Cách đây 15 năm có gần 100 hộ với hàng trăm lao động và hàng chục nghệ nhân sản xuất gốm. Trải qua bao thăng trầm, nay hàng nồi đất vẫn được tư thương khắp nơi đến tận nhà đặt mua nhưng số hộ làm nghề ngày một hiếm...
Theo các cụ cao niên trong thôn thì làng gốm ra đời vào khoảng giữa thế kỷ 19. Khi cao điểm có hàng trăm hộ sản xuất với những đồ gốm gia dụng từng mang lại danh tiếng lẫn sự thịnh vượng của làng Quế An một thời. Các sản phẩm đất nung thủ công rất đa dạng và gần gũi với đời sống của người dân như lu, nồi, niêu, ấm, chảo, bùng binh... Điều đặc biệt là nghề làm gốm ở đây hoàn toàn bằng thủ công và sử dụng sức người là chính. Xưa kia, các sản phẩm của làng gốm nổi tiếng bền đẹp và góp mặt khắp các khu chợ quê, hiện hữu trong nhiều gia đình ở nhiều địa phương trong vùng và lân cận.
Ông Võ Danh Hoàng (thôn Thắng Tây, xã Quế An) chia sẻ: “Nhờ nghề gốm này mà nuôi sống cả làng thời ấy. Người ta gánh bộ đi khắp nơi từ chợ trong huyện, có khi vượt qua mấy đồi núi, đường mòn sâu để đến các vùng sâu, xa như Hiệp Đức, Nông Sơn, Phước Sơn…
Thời ấy, chủ yếu là đổi đồ gốm lấy các loại lương thực như bắp, lúa, hạt mít phơi khô… Người ta thường bảo nhau gốm Quế An (gốm Sơn Thắng xưa) gánh một đôi gốm dù vỡ mất một vẫn lời. Giờ đây mỗi khi nhắc đến một thời huy hoàng của làng gốm Quế An, thế hệ chúng tôi chỉ có thể nhìn chúng qua ký ức của mình mà thôi”.
Chưa ai làm giàu bằng nghề này, nhưng nó có thể nuôi sống được nhiều gia đình qua cơn khốn khó. Đất sét nơi đây mềm, khi nung có độ bền cao và khó nứt, đất sét có màu xanh trứng sáo phải đào sâu 1.2-1.5m mới lấy được. Người ta phải đi tới vùng giáp ranh với xã Quế Phong để mua đất sét, thuê người gánh hơn 1km mang về. Bây giờ đi khắp thôn Thắng Tây không dễ gì “ngửi” được mùi đất hay nhìn thấy những nồi, niêu… phơi đầy sân.
Hiện nay, tại thôn Thắng Tây chỉ còn duy nhất gia đình bà Võ Thị Sương vẫn còn đang cố gắng giữ lửa làng nghề. Bà Võ Thị Sương cho biết: “Lý do mà tôi theo nghề này cũng bởi cái duyên, niềm yêu thích của mình với nghề truyền thống quê hương. Dù giờ giấc, công sức bỏ ra nhiều nhưng vì đã quá mê hương đất, hương gốm quê hương mà tôi không đành bỏ”. Hiện nay bà Sương sản xuất các loại sản phẩm từ đất sét trên quê hương bà gồm trả lớn, om lớn, om cầu. Các công đoạn từ luyện đất ra đến sản phẩm hoàn toàn bằng thủ công. Tính trung bình mỗi tuần bà làm được 200 sản phẩm gốm lớn nhỏ, Sản phẩm chủ yếu được cung cấp cho các đại lý, các chợ trong huyện và một số huyện lân cận.
Để làm được cái nồi đất phải qua rất nhiều công đoạn. Người làm nồi phải cắt xắn, đâm rồi nhào trộn đất thật nhuyễn, nhặt bỏ các tạp chất. Công việc này thường được cánh đàn ông đảm nhận nhưng các công đoạn tiếp theo như vê đất, nặn nồi, gọt, làm đẹp, phơi nắng, đem vào lò đốt không thể thiếu bàn tay khéo léo của người phụ nữ. Người thợ phải tỉ mẩn, cẩn thận, kiên trì, chịu khó. Công đoạn đốt nồi được xem là khó nhất bởi nếu nhiệt độ quá cao thì hầu như các sản phẩm sẽ nứt hết, tất cả coi như mất hết. Đốt không đủ nhiệt độ thì các sản phẩm sẽ sống. Lò đốt nồi là lò trần lộ thiên không lợp mái, gặp phải trời mưa, lò đang cháy dở thì chỉ có bỏ vì gặp mưa các sản phẩm trở lại những khuôn màu đất sét. Thường thì sau khoảng mười ngày, thì gia đình bà sẽ cho ra lò một mẻ nồi. Nghề này vất vả, thu nhập ít lắm. Làm cật lực mỗi ngày cũng chỉ thu về khoảng 50.000 đến 70.000 đồng/lao động tính đến thời điểm năm 2014.
Mỗi ngày bà có thể làm được 20 cái loại lớn, 40 cái loại trung và 60 cái loại nhỏ. Có những lúc đơn đặt hàng nhiều đến mức làm không xuể, bà phải hồi lại khách để đảm bảo làm đủ cho người đặt trước. Nhu cầu thị trường ngày càng lớn khi mà các khu du lịch, Nhà hàng, khách sạn ngày càng chuộng các sản phẩm truyền thống để trang trí hay chế biến món ăn…
Nhìn bàn tay thoăn thoắt, đôi chân nhanh nhẹn trên bàn xoay mới thấy hết được niềm đam mê của bà dành cho sản phẩm quê hương. Bà Sương cho biết: “Giờ chỉ còn mỗi tôi làm gốm này thôi. Ngày trước đơn đặt hàng nhiều thì còn nhờ những người già trong thôn đến làm. Nhưng giờ tuổi các cụ cũng đã cao, mắt mờ nên cũng chưa biết tính sao. Dù tôi cũng cố gắng thuyết phục nhiều người cùng thôn theo nghề, sẵn sàng chỉ họ công việc cũng như nhường mối làm ăn để duy trì làng nghề nhưng chẳng ăn thua. Bây giờ mọi người đều bỏ nghề để theo làm ở các khu công nghiệp nên làng nghề ngày càng đìu hiu. Thu nhập cũng khó khăn hơn”.
Đã hơn 20 năm gắn bó, thăng trầm cùng nghề gốm quê hương, ước mơ duy nhất của bà Sương là có người theo nghề và kế thừa sau khi mình không còn. Được biết, hiện nay, địa phương đang xây dựng đề án khôi phục làng gốm Quế An. Trong tương lai, huyện Quế Sơn sẽ dùng khoản kinh phí khuyến công để hỗ trợ tập hợp các nghệ nhân lại và tổ chức lớp dạy nghề cho thế hệ trẻ. Ngoài ra, cũng sẽ hỗ trợ kinh phí cho các hộ mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ làm gốm; tổ chức tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở các làng gốm làm ăn hiệu quả để xây dựng sản phẩm gốm đặc trưng trên thị trường...