Ở Quế Châu, chắc hẳn ai sinh ra và lớn lên cũng quen tai với tiếng búa quai, tiếng ống bễ phì phò thâu đêm suốt sáng. Giờ đây không biết làng còn bao nhiêu hộ sản xuất, nhưng lâu lắm lại mới thấy lò rèn đỏ lửa. Không còn ai nhớ chắc chắn nghề rèn của xóm này có từ bao giờ, nhưng nó đã nổi tiếng từ khá lâu với cái tên “xóm lò rèn”.
Tại đây, hầu hết con cháu của các họ tộc Hà, Nguyễn, Lê, Phạm… đến lập nghiệp, chủ yếu sống bằng nghề nông. Với nghề rèn, ban đầu người dân rèn những vật dụng cần thiết trong đời sống gia đình và những dụng cụ lao động như dao, liềm, cuốc, rựa, xẻng, lưỡi cày… Dần dần, họ rèn thêm nhiều sản phẩm để trao đổi buôn bán với các vùng lân cận, kiếm thêm nguồn thu nhập. Bà con, bạn hàng từ khắp các vùng lân cận như Quế Long, Quế Phú hay các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên tìm đến mua hàng.
Vì là nghề rèn truyền thống nên để hoàn thiện một sản phẩm, người thợ rèn phải thực hiện tám bước khá công phu: Đốt và chấn sắt, đập, lượt phôi, làm nguội, gọt, sửa nguội, mài bằng tay. Trong đó khâu làm nguội đòi hỏi độ công phu nhất. Mẫu mã đẹp, độ đồng đều, độ sắc nhiều hay ít, không mẻ bể khi va đập… đều do khâu làm nguội. Và đó cũng chính là khâu quyết định đến sự thành công của người làm nghề. Ngoài ra, để có một sản phẩm tốt, cái khó nhất và cũng là bí quyết của người thợ ở chỗ nhìn độ hồng của sắt và thép trên ngọn lửa, biết vừa hay chưa. Ở đây chỉ xác định bằng mắt và cảm giác của người thợ. Chỉ cần non già lửa rèn một chút là sẽ ảnh hưởng đến sản phẩm sau khi hoàn thiện. Trước đây, nghề này cũng được xem là một nghề nguy hiểm, vì hàng ngày mỗi người thợ phải hít một lượng lớn khí than từ lò lửa, thế nên dần dần các thợ trong làng đều đổ bệnh, nên con cháu ít ai theo nghề. Đây cũng là nghề khá nặng nhọc nên thường chỉ dành cho nam giới đảm đương, còn phụ nữ thì lo việc bán sản phẩm và mua nguyên liệu.
Theo những người dân trong làng, để rèn ra một sản phẩm không hề đơn giản. Cái khó nhất, cũng là bí quyết người thợ. Muốn có sản phẩm tốt, phải thành thạo từ bước đầu chọn sắt và thép. Ngày trước, người ta thường dùng than gỗ, đặc biệt là gỗ lim, nay chủ yếu phải dùng than tổ ong mới đủ nhiệt độ đốt cho sắt và thép nóng chảy để tạo hình. Trong quá trình rèn, người thợ nhìn qua độ hồng của sắt và thép trên ngọn lửa là biết vừa hay chưa về sự pha chế đồng đều. Chỉ cần non, già một chút là sản phẩm không sắc bén. Cái khó nữa là mỗi loại thép có độ hồng khác nhau. Người thợ cần có con mắt tinh tường để xác định như thế nào là vừa. Quan trọng nữa là nước tôi. Nước tôi là khi sản phẩm cho qua lửa lần cuối rồi nhúng vào nước lã. Nước tôi già hay non một chút thì dụng cụ cũng không sắc. Nước tôi như thế nào cho vừa thì cũng do sự tinh tế của người thợ. Công đoạn cuối cùng là mài. Trước đây, người làm nghề thường mài bằng đá suối nhưng ngày nay với sự tiến bộ, ngoài việc sử dụng đá suối thì đã có máy mài. Những sản phẩm như dao, rựa, cuốc xẻng… từ những lò rèn Quế Châu được rèn bằng kỹ thuật thủ công, chất lượng đạt tới độ bền và sắc.
Trước đây, khi hàng gia dụng chưa nhiều như bây giờ và nghề nông chưa có máy móc hỗ trợ thì sản phẩm rèn tại xã Quế Châu cung cấp nhu cầu tiêu thụ ở Quế Sơn và các huyện lân cận trên địa bàn tỉnh... Làng nghề nổi tiếng một thời, các sản phẩm được các thương lái bỏ bán các chợ đầu mối như chợ Đàng, rồi tỏa đi các nơi như Duy Xuyên, Bà Rén, Hương An, Hà Lam, Trung Phước… để phân phối đi các nơi. Đó là khoảng thời gian cách đây chừng mười, mười mấy năm về trước, lúc có khoảng 50 lò rèn đỏ lửa thường xuyên, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Xã Quế Châu bây giờ chỉ còn khoảng 10 hộ rải rác ở 07 thôn trong xã làm nghề. Nghề rèn ở đây được coi như một nghề “cha truyền con nối” với những kinh nghiệm quý báu được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác tạo nên tên tuổi một thời cho làng nghề. Nhưng hiện nay, nhiều lò rèn trong làng đành “tắt lửa” hoặc chuyển đổi nghề bởi nhiều lý do. Càng ngày, những sản phẩm gia dụng càng phong phú, những dụng cụ lao động cũng ít được sử dụng hơn do có máy móc hỗ trợ nên đầu ra sản phẩm nghề rèn cũng thu hẹp dần. Hơn nữa, những người thợ rèn có tay nghề cao, yêu nghề nay đã già yếu và lớp trẻ thì không mấy ai mặn mà theo nghề. Ông Võ Văn Công, một trong những chủ lò lớn nhất hiện ở thôn Phú Đa, xã Quế Châu chia sẻ: “Những người lặn lội theo giữ nghề rèn còn lại cũng là những mái đầu bạc vẫn ngày ngày quai búa, đánh đe cầm chừng, không làm không được, vì nó ăn sâu trong máu thịt”.
Mặc dù sức tiêu thụ không còn mạnh như trước nhưng những sản phẩm của làng rèn Quế Châu vẫn có chỗ đứng vững chắc. Dù số lượng sản phẩm giảm sút, nhưng nhờ nguyên liệu chính để rèn ra từng sản phẩm này chính là các vật liệu từ thời chiến tranh để lại. Đó là những vỏ bom, đạn, vỏ xe, thép quân dụng… được mua về từ các cơ sở phế liệu. Ngày xưa chúng mang đến đau thương, ngày nay lại trở nên gần gũi, theo chân nhà nông bước ra đồng hay lên nương rẫy. Đặc biệt những nông cụ này khi được làm ra sẽ rất chất lượng, cứng hơn, bền hơn và lâu bị gỉ sắt.
Ánh lửa đỏ bừng, tiếng búa đập vào đe inh ỏi cùng tiếng người dồn sức như làm sống lại một thời trai trẻ, một thời huy hoàng của nghề rèn nơi đây. Đất Quế Châu, dẫu thời huy hoàng đã qua nhưng ngọn lửa đam mê trong lòng những người thợ rèn vẫn luốn cháy hết mình, vươn lên giữ nghề.