Ngã ba Hương An, huyện Quế Sơn là nơi giao nhau giữa Quốc lộ 1A và tỉnh lộ 105, nay là đường ĐT611, cách Đà Nẵng chừng 38 km về phía Bắc và Tam Kỳ chừng 30 km về phía Nam. Đi ngược về hướng Tây theo tỉnh lộ 611 chừng 10 km là đến được Suối Tiên, một thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam.
Chuyện kể rằng ngày xưa Suối Tiên nổi tiếng hoang vu. Ngày cũng như đêm ánh sáng mặt trời, mặt trăng không sao chiếu lọt qua nổi những tán lá cây lớn nhỏ, rầm rịt đan nhau như một mái nhà thiên tạo. Nhiều dây leo lâu ngày lớn bằng cánh tay, bắp chân, vắt ngang qua suối như những chiếc võng lớn hấp dẫn. Các ông Tiên râu tóc trắng phau thường vắt vẻo trên những chiếc võng ấy hoặc ngồi đánh cờ với nhau trên những tảng đá phẳng phiu. Một hôm có người tiều phu, cũng là dân mê cờ, không chịu vào rừng kiếm củi mà lại ghé xem hai ông Tiên đang ngồi đánh cờ với nhau cạnh một thác nước trắng xóa đổ xuống một lòng ao trong xanh. Xem xong ván cờ của hai “Kỳ phùng địch thủ”, người tiều phu đứng dậy định đi kiếm củi thì phát hiện ra chiếc giỏ đựng củi và cán búa đã mục nát từ bao giờ. Trên đầu chàng tiều phu đã điểm nhiều sợi tóc bạc, trên trán khắc chữ “một ngày non tiên”. Sau này chỗ đó người ta gọi là ao Tiên.
Suối Tiên ở Quế Hiệp, Quế Sơn đã đi vào văn hóa địa phương bằng truyền thuyết như thế. Đọng lại trong lòng người từ truyền thuyết để rồi trải qua bao năm tháng, ngày nay, Suối Tiên đã phát triển thành một thắng cảnh nổi tiếng. Đó là một hệ thống suối gồm tất cả 14 con thác với độ cao chừng 400m, tính từ thác thứ nhất đến thác thứ 14. Mỗi thác nước ở đây đều mang một vẻ đẹp riêng. Những vẻ đẹp ấy điểm vào cái nền trong xanh của rừng rúi, trời mây tạo thành một tổng thể “bồng lai tiên cảnh” tuyệt vời. Hình ảnh dòng nước cao 400m tuôn trào xuống các tảng đá tung bọt trắng xoá tạo nên những bài ca âm vang của núi rừng chắc chắn mang đến những trải nghiệm khó quên cho du khách. Muốn “mát xa” bằng nước trời thì đã có sẵn những con thác dựng đứng. Muốn nghỉ ngơi thì có những tảng đá bằng phẳng, rộng lớn phủ kín lá rừng mời chờ. Đặc biệt ở thác thứ ba có ao Tiên trong mát nổi tiếng trong truyền thuyết là điểm tắm rửa, nghỉ chân lý tưởng cho du khách trước khi tiếp tục hành trình vượt thác. Đường ngược núi chinh phục 14 con thác có thể theo lòng suối nếu thích mạo hiểm, hoặc men theo đường đất hai bên suối. Trên con đường lên đến thác nguồn này, du khách có thể chiêm ngưỡng những tảng đá lớn bằng phẳng, gợi nhớ đến câu chuyện Tiên ông ngồi đánh cờ năm nào.
Tuy chỉ mới được biết đến từ thập niên gần đây nhưng suối Tiên đã nhanh chóng phát triển thành một thắng cảnh du lịch đầy tiềm năng. Những ngày cao điểm như mồng Năm tháng Năm, rằm tháng Giêng, tháng Bảy, tháng Tám… du khách đến với suối Tiên có gần 2000 người một ngày. Điểm thu hút nhất ở Suối Tiên là vẻ đẹp nguyên sinh, một môi trường trong lành, sự bình yên và thoải mái. Ngày nay, điện lưới quốc gia cũng đã đến được với suối Tiên, đường vào trước đây rất khó khăn thì nay đã được sửa sang, xây dựng lại ổn định. Dự kiến thời gian đến, điểm du lịch suối Tiên sẽ được Nhà nước và tư nhân đầu tư, mở rộng thành một cụm du lịch trong hướng phát triển sang thác Bà ở cánh trái và hang Mũi Thuyền ở cánh phải.
Đến với suối Tiên là tìm đến với một không gian hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài cũng như bầu không khí trong lành để thật sự hồi phục lại mạch máu, buồng phổi, từ những lớp khói bụi công nghiệp. Tạp chí Việt Nam Đông Nam Á ngày nay” trong số 11, tháng 7 năm 1997 đã giới thiệu về suối Tiên như sau: “ Nơi đây quả là địa điểm tuyệt vời cho du lịch sinh thái, cảm giác hòa quyện vào thiên nhiên cộng với cái thú phiêu lưu mạo hiểm và ý chí chinh phục sẽ giúp bạn xác lập niềm tự tin và ý nghĩa của một ngày rong chơi nơi núi rừng nhiệt đới”.