Vươn lên làm giàu từ khôi phục nghề truyền thống

Xác định phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng là tiền đề quan trọng để xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc nên những năm qua, phong trào phụ nữ thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn xã Quế Xuân 1 luôn được chị em quan tâm, từ đó nhiều chị em đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh, buôn bán vươn lên thoát nghèo. Một trong những điển hình đó là chị Nguyễn Thị Bốn, sinh năm 1979, hiện ở tại thôn Phù Sa, xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn đã vươn lên làm giàu từ việc sản suất Bánh quế dừa.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông tại làng Mông Lãnh, thôn Phù Sa, tuổi thơ của chị Bốn đã gắn liền với ruộng đồng, thấu hiểu nỗi khó khăn của người nông dân “chân lấm, tay bùn”. Năm 24 tuổi, chị lập gia đình với người cùng quê, khi mới lập gia đình cuộc sống của gia đình chị bộn bề những khó khăn, thiếu thốn. Hằng ngày chị cùng chồng ra đồng làm ruộng, làm vườn, công việc vất vả “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng chỉ đủ ăn, đủ mặc. Chính vì lẽ đó chị cứ băn khoăn và trăn trở khao khát thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Rồi một lần chị nghe mẹ chồng kể lại nghề làm bánh truyền thống của các thế hệ làng Mông Lãnh, thôn Phù Sa, chị như cá gặp nước, làm Bánh quế dừa chỉ cần những nguyên liệu sẵn có, dễ tìm ở địa phương, dễ làm, thơm ngon, nhiều người ưa thích, có thêm thu nhập vừa giữ gìn được nghề truyền thống của làng Mông Lãnh - Phù Sa.

Xuất phát từ suy nghĩ trên, sau khi tìm hiểu nghề làm Bánh quế dừa và sau nhiều lần trăn trở, chị bàn bạc cùng chồng, chị quyết định khởi nghiệp từ làm Bánh quế dừa. Sản phẩm bánh quế dừa được kết tinh từ những nguyên liệu gồm nước cốt dừa, đường tinh luyện, bột mì, trứng gà, mè đen, sau khi cân đúng và đủ trọng lượng theo công thức đã định những người làm bánh sử dụng dụng cụ để trộn đều, sau đó dùng vá múc đổ vào chảo hai mặt đặt trên bếp than hồng đã chuẩn bị trước. Trông chưa đầy 5 phút, mở nắp chảo rắc mè lên mặt bánh, đều tay lật qua, lật lại mỗi bên hai lần bánh sẽ chín đều, màu vàng ruộm trông rất ngon và bắt mắt nên sản phẩm Bánh quế dừa Phù Sa được người tiêu dùng đón nhận ngày càng nhiều, nó giòn tan cùng hương vị béo, thơm, ngon, ngọt và có nhiều chất dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Lúc đầu chị tranh thủ thời gian nông nhàn làm thủ công với số lượng ít bánh để phục vụ bạn bè, người thân, còn dư đem ra chợ bán nhỏ lẻ để kiếm tiền mua thức ăn hằng ngày. 

Để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao, năm 2018 chị Bốn mạnh dạn vay 100.000.000đ từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm do Hội LHPN xã Quế Xuân 1 đứng ra tín chấp với Ngân hàng CSXH huyện để mở rộng quy mô sản xuất. Chị quyết định đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, in ấn bao bì, nhãn mác, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Trong sản xuất, chị Bốn luôn kỹ lưỡng chọn lựa các nguyên liệu và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhờ đó sản phẩm Bánh quế dừa được người tiêu dùng chấp nhận, thị phần ngày càng lớn.

Năm 2020, chị đăng ký tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Nhờ chất lượng đảm bảo và hoàn thiện hồ sơ theo đúng yêu cầu nên cuối năm 2020 sản phẩm Bánh quế dừa của chị Bốn được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Qua hơn 4 năm sản xuất, sản phẩm Bánh quế dừa đã có mặt ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, chị mở rộng quảng bá trên internet và đưa sản phẩm của mình tham gia hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm cấp tỉnh, huyện. Nhờ đó sản phẩm bánh Quế dừa phát triển mạnh mẽ, từng bước chiếm được thị phần và niềm tin của người tiêu dùng.

 Cơ sở sản xuất của chị Bốn cũng đã giải quyết việc làm ổn định cho 05 phụ nữ tại địa phương với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập của gia đình chị hằng tháng từ 20 triệu đến 25 triệu đồng sau khi đã trừ các khoản chi phí, từ đó chị Bốn không những thoát nghèo mà vươn lên làm giàu chính đáng.

Bên cạnh việc sản xuất kinh doanh, chị Bốn còn tích cực tham gia các hoạt động  văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao  do địa phương tổ chức; đồng thời chị còn hỗ trợ kinh phí để giúp đỡ cho phụ nữ nghèo, neo đơn, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp lễ, Tết; hỗ trợ quỹ khuyến học, khuyến tài của thôn, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập tốt. Có thể nói, chị Nguyễn Thị Bốn là một hội viên tiêu biểu, dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo trong lao động, chị đã xây dựng được một mô hình kinh tế bền vững, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. 

Chị là tấm gương sáng để hội viên phụ nữ noi theo, cùng chung khát vọng vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương của mình.

Tin liên quan