Tại điểm cầu của Bộ Công an có đồng chí Nguyễn Văn Long Thứ trưởng Bộ Công an và đồng chí Dương Quyết Thắng - Tổng Giám đốc NHCSXH dự và chỉ đạo Hội nghị. Tham dự tại điểm cầu Công an huyện Quế Sơn có đồng chí Nguyễn Văn Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện; lãnh đạo UBND các xã, thị trấn, Ban Giám đốc và Tổ chuyên môn nghiệp vụ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.

Điểm cầu huyện Quế Sơn - Ảnh: TG
Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Công an và Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo kết quả hoạt động công tác phối hợp giữa Bộ Công an và Ngân hàng Chính sách xã hội trong thời gian qua và triển khai Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg-CP ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Sau khi nghe các ý kiến đóng góp của các bộ, ban, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Chính Phủ Lê Minh Khái khẳng định Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg-CP ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù là chương trình cho vay quan trọng, thể hiện tính nhân văn sâu sắc và quyết tâm của Chính phủ.
1. Đối tượng được vay vốn
Người chấp hành xong án phạt tù bao gồm: người chấp hành xong thời hạn chấp hành án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù quy định tại Luật Thi hành án hình sự và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá quy định tại Luật Đặc xá.
Cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm: doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.
2. Điều kiện vay vốn
Đối với người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn; có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội, do Công an cấp xã lập và được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận. Thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn tối đa là 05 năm.
Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh: Được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật; sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù đáp ứng các điều kiện nêu trên và ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động; có phương án vay vốn và được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện phương án xác nhận.
Người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh quy định ở trên phải thuộc trường hợp không còn dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các chương trình tín dụng khác có cùng mục đích sử dụng vốn vay để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm theo quy định của pháp luật thì mới đủ điều kiện để vay vốn.
3. Mức vốn cho vay
Đối với vay vốn để đào tạo nghề: Mức vốn cho vay tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù.
Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm: Mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù.
Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh: Mức vốn cho vay tối đa là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.
4. Lãi suất cho vay
Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ.
Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.