Những kết quả đạt được sau 02 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Hội nghị Trung ương khoá 5 (Khoá XIII) về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trên địa bàn huyện.

Đến nay huyện đã cơ bản hoàn thành 5/9 tiêu chí nông thôn mới cấp huyện; có 9/11 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; tổng số tiêu chí NTM đã đạt 194 tiêu chí, bình quân trên địa bàn huyện đạt 17,6 tiêu chí (tăng 5 tiêu chí so với cuối năm 2022); 18 thôn/62 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu (tăng 07 thôn so với năm 2022), 05 thôn đang xúc tiến lập hồ sơ đề nghị công nhận; công tác xây dựng xã nông thôn mới nâng cao được tập trung chỉ đạo.

Diện mạo nông thôn Quế Sơn ngày càng khởi sắc

Sau khi Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị Trung ương khoá 5 (Khoá XIII) về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được ban hành, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể cụ thể hóa triển khai thực hiện Nghị quyết phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn huyện được huyện triển khai kịp thời, thường xuyên. Đồng thời, nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng giai đoạn, từng thời kỳ, vai trò chủ thể của Nhân dân ngày càng được phát huy với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”. Qua đó, các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân đều có nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, về các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết. Theo đó, sau 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW trên địa bàn huyện đạt được những kết quả tích cực như:

Tỷ lệ sản xuất theo các hình thức liên kết đạt từ 20% giá trị sản phẩm các loại cây trồng. Từ năm 2022 đến nay, UBND huyện đã phê duyệt 20 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, với tổng kinh phí đầu tư 53.013 triệu đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn Chương trình NTM, vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, vốn chương trình giảm nghèo là 9.615 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 18%..... Các dự án bước đầu đem lại hiệu quả, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hộ tham gia liên kết.

Tỷ trọng chăn nuôi đạt 26,33% trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp. Chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô trang trại chiếm hơn 20% tổng đàn. 

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai thực hiện tích cực, tập trung chỉ đạo các xã về đích NTM nâng cao (Quế Xuân 1, Quế Xuân 2, Quế Phú, Quế Hiệp, Quế Châu và Quế Long) xây dựng hồ sơ, thủ tục đề nghị tỉnh cấp mã số vùng trồng cho các cây trồng chủ lực của địa phương, đảm bảo đạt chuẩn tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn.  

Đến nay huyện đã cơ bản hoàn thành 5/9 tiêu chí nông thôn mới cấp huyện; có 9/11 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; tổng số tiêu chí NTM đã đạt 194 tiêu chí, bình quân trên địa bàn huyện đạt 17,6 tiêu chí (tăng 5 tiêu chí so với cuối năm 2022); 18 thôn/62 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu (tăng 07 thôn so với năm 2022), 05 thôn đang xúc tiến lập hồ sơ đề nghị công nhận; công tác xây dựng xã nông thôn mới nâng cao được tập trung chỉ đạo. 

Chương trình OCOP tiếp tục được triển khai với sự tham gia tích cực của các ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện, đến nay toàn huyện có 20 sản phẩm của 16 chủ thể được công nhận là sản phẩm OCOP; trong đó, có 15 sản phẩm 3 sao, 05 sản phẩm 4 sao (trong đó có 01 sản phẩm đang đề nghị công nhận 5 sao). Tổng số hộ được hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại đến cuối năm 2023 là 176 hộ/ 36,3 ha với tổng kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ gần 6 tỷ đồng. Nhiều mô hình KTV-KTTT ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến đem lại hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2023 đạt 47,57 triệu/người/năm, tăng 5,21 triệu đồng so với năm 2022. 

Trên địa bàn huyện còn 228 nhà tạm, nhà dột nát đề nghị hỗ trợ theo Nghị quyết 13. Tổng số người có thẻ BHYT 83.556 người, đạt tỷ lệ bao phủ 98,11% dân số; 100% xã được phủ sóng 4G, 100% xã có mạng cáp quang.

Đẩy mạnh phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số; tích hợp, chia sẻ dữ liệu của huyện với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo Danh mục dịch vụ công trực tuyến được UBND tỉnh ban hành. Công tác chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo, xây dựng 01 mô hình xã NTM thông minh và 03 mô hình thôn NTM thông minh...

Hỗ trợ người dân phát triển kinh tế vườn

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như: Việc duy trì, giữ mức đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới, cũng như trong chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, con vật nuôi ở một số địa phương có lúc, có nơi triển khai thực hiện chưa tập trung, chưa sâu sát, quyết liệt; việc xây dựng và triển khai thực hiện các Đề án/dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; ngành nghề nông thôn phù hợp trên địa bàn các xã chưa được quan tâm đúng mức; xuất phát điểm xây dựng xã NTM, huyện NTM thấp, kết cấu hạ tầng những năm qua từng bước được đầu tư xây dựng, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chưa đạt tiêu chí Nông thôn mới; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị chưa nhiều; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư, hiện nay chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ…

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị Trung ương khoá 5 (Khoá XIII) trong thời gian đến, cần tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; tiếp tục thực hiện Quyết định số 1599/QĐ-UBND ngày 22/5/2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030; đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị và tập trung thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp ở nông thôn...

Tin liên quan