Lễ hội – bảo tồn tinh hoa văn hóa

Lễ hội là dịp để người dân bày tỏ lòng thành kính với các vị thần, các vị tiền bối có công khai sinh lập địa, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và khát vọng phồn vinh. Tại làng Trung An, thị trấn Trung Phước, huyện Quế Sơn, Lễ hội Bà Thu Bồn năm 2025 diễn ra thành công tốt đẹp, thu hút hàng chục ngàn lượt khách đến tham quan, thưởng lãm và trẫy hội. Đây cũng là nơi lưu giữ tương đối nguyên vẹn các sắc thái văn hóa từ ngàn xưa.

Dinh Bà Thu Bồn vào lễ hội - Ảnh: Thu Phương

Vào tháng 2 Âm lịch, mọi người dân làng Trung An đều háo hức chờ đón, tham gia Lễ hội Bà Thu Bồn – một trong những hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc của người dân bản địa nơi đây. Chị Lê Thị Thúy Vân - người con làng Trung An chia sẻ: “Mọi người, mọi nhà đều chung tay góp thêm thành công cho lễ hội. Lễ hội được tổ chức hằng năm, năm sau hoành tráng hơn nhiều năm trước, bởi bao mùa lễ hội, con cháu làng Trung An dù đi đâu làm gì cũng về tề tựu. Những công việc đã trở thành nếp xưa, từ thế hệ trước truyền dạy cho thế hệ sau. Tất cả đều cầu mong Quốc thái dân an”.

Trong khuôn khổ lễ hội, du khách sẽ được chứng kiến những nghi lễ trang trọng và tham gia vào nhiều hoạt động thú vị. Không chỉ trải nghiệm văn hóa biến thể từ nguồn gốc tín ngưỡng của người Chăm xưa mà tham quan lễ hội du khách còn được thưởng lãm các hoạt động nghi lễ của làng với các nghi thức lễ tế âm linh, tiền nhân tiền bối; lễ rước Sắc; lễ rước Nước; lễ thả hoa đăng; lễ tế Bà, viếng Bà; lễ hoàn sắc…

Lễ rước Sắc tại Lễ hội Bà Thu Bồn - Ảnh: Thu Phương

Lễ hội được tổ chức hoành tráng nhưng không kém phần trang nghiêm; phần hội được chọn lọc, cải tiến theo hướng bảo tồn, phục dựng những nét đặc sắc và được mở rộng, đa dạng, phong phú với nhiều trò chơi dân gian, hay biểu diễn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: hô hát bài chòi, chơi các trò chơi dân gian đua thuyền trên cạn, cờ tướng, nhảy bao bố tiếp sức nam, nữ …không những thu hút đông đảo người dân tham gia mà du khách được thưởng lãm thích thú.

Lễ vật cúng thường có một con trâu to khỏe hay nghé chông, mâm xôi lớn cùng nhiều hương, hoa, quả, trầu cau, gạo, muối, áo giấy… người dân địa phương đã dâng các sản vật là các loại bánh truyền thống của địa phương để cúng Bà nhằm quảng bá sản phẩm địa phương đến với du khách gần xa.

 Hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể của lễ hội này ghi lại, Lễ hội Bà Thu Bồn ở Quảng Nam là một hình thái lễ hội dân gian được hình thành từ khi người Việt ở vùng Thanh Nghệ, Đại Việt qua nhiều đợt di cư đến khai phá vùng đất mới, lập làng, lập xã hiệu vào thế kỷ 15 và được bảo tồn, phát triển cho đến ngày nay. 

Các hoạt động tế lễ tại lễ hội luôn được bảo tồn và khôi phục phát triển, tạo bản sắc văn hóa độc đáo của riêng. Ông  Trần Văn Đoàn - CT UBND thị trấn Trung Phước, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết,  Lễ hội Bà Thu Bồn là một nét đẹp văn hóa tâm linh có ý nghĩa vô cũng quan trọng đối với người dân xứ Quảng nói chung và dân làng Trung An, thị trấn Trung Phước nói riêng. Hoạt động này không chỉ thể hiện văn hóa sắc thái vùng miền mà còn thể hiện tính giao thoa giữa văn hóa tâm linh và hiện đại, giữa đồng bào các dân tộc Việt – Chăm và người dân sống tại thượng lưu sông Thu Bồn. Là nơi hội tụ, bảo tồn và lưu truyền các tinh hoa di sản văn hóa nơi đây.

Một số hình ảnh hoạt động nổi bật tại Lễ hội Bà Thu Bồn

 

 

 

 

 

Tin liên quan