Lễ hội Khai Sơn và rừng Miếu Cấm làng Nghi Sơn

Nằm cách quốc lộ 1A 13 km về hướng Tây Nam theo đường Quốc phòng, cách trung tâm xã Quế Hiệp 3km về hướng Bắc, làng Nghi Sơn thuộc địa phận xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam là vùng đất bán sơn địa có độ cao so với mặt biển 150m. Đồi núi chập chùng, mọi hướng đến làng Nghi Sơn đều phải vượt qua đèo dốc. Hướng Bắc từ Duy Trung lên, phải vượt qua đèo Cây Trao, Đá Ngó. Hướng Đông Quế Xuân lên, phải qua đèo Đòn Gánh. Hướng Nam từ Nghi Trung - trung tâm xã Quế Hiệp - phải lên dốc Hố Cuông uốn lượn, quanh co và được bê tông hóa đến tận đầu nhà, ngõ xóm.

Từ thuở cha ông khai sơn phá thạch có lẽ đã nhìn thấy nơi đây là một miền đất hứa, để lại cơ nghiệp cho muôn đời con cháu mai sau. Nhưng cũng là vùng núi non trùng điệp, cây cối âm u nên việc khai phá, sinh hoạt cũng gặp không ít thảm họa rình rập. Với tập quán canh tác lúa nước và nếp văn hóa Á Đông, ngoài sức lực và bản năng tự vệ của con người, ông cha xưa lấy tâm linh làm chỗ dựa vững chắc để sinh tồn, bảo vệ súc vật, mùa màng nơi rừng thiêng nước độc, đầy rắn rít, hổ báo, lợn lòi… Do đó thần núi, thần cây, long thần, thổ địa… được tôn thờ như một tín ngưỡng. Việc cúng tế các chư thần được ấn định vào ngày mồng 8 tháng Giêng hằng năm, sau ngày cúng người dân mới được vào núi sản xuất, săn bắt, chăn thả. Đằng sau tục thờ cúng và đức tin, từ xưa sự linh thiêng ứng nghiệm đây đó đã được dân làng tri ân và truyền tụng.

Song hành với tín ngưỡng thờ thần, khi việc khai cơ lập ấp đã hình thành thì ông cha không quên ân đức các vị tiền nhân khai sơn, phá thạch và các Tiên chỉ Thành hoàng nên việc kết hợp cúng tế đã có trước đây hằng trăm năm. Đến năm 1938 sau khi được phiên lập xã hiệu từ làng Khe Môn thành xã Nghi Sơn, thì người trong làng đã chọn Giỏ Cây Bàng làm nơi trung tâm thường tới lui trao đổi sinh hoạt. Kẻ khó góp công, người giàu góp của, dựng lên ngôi nhà thờ để thờ tự chư vị Tiền Hiền, dẫu chưa phải là nhà cao, cửa rộng nhưng cũng đủ che chở, hội tụ, hun đúc tinh thần người bản địa thời bấy giờ, ngày khánh thành tổ chức hát bộ vui chơi 7 ngày 7 đêm. Sau việc tổ chức thành công lễ khánh tạ, hằng năm lễ cúng tế thần linh mở cửa rừng, cúng Tiền Hiền trong những ngày đầu xuân được làng nâng lên một cấp, là lễ cúng kết hợp mở hội ca hát vui xuân, nay gọi là “ Lễ hội Khai sơn”.

Lễ hội Khai sơn đã đi vào tiềm thức của mỗi người dân nơi đây nên sau 3 ngày tết Nguyên đán cúng tế ông bà, tiên tổ và thăm bà con phương xa, thì mọi người chuẩn bị cho ngày Lễ hội. Ngày 4 tháng Giêng tất cả các xóm tùy theo phương vị Đông, Tây, Nam, Bắc tập trung tết núi, lễ cúng chủ yếu hương, hoa, quả, bánh, xôi, chè. Cầu cho trâu bò thả núi được

bình yên, không bị sập hầm, té hố hay hổ chộp, trăn ăn. Tiếp đến ngày 7 tháng Giêng tất cả các hộ đều đi tảo mộ âm linh, thắp hương Tiền Hiền và Mồng 8 là ngày Lễ hội Khai Sơn chính thức.

Lễ cúng khai sơn năm nào cũng có, nhưng hai năm một lần tổ chức lễ rước kiệu vong từ Miếu rừng về nhà thờ Tiền Hiền. Để chuẩn bị tế lễ làng phải chọn trước các nhân vật hành lễ, phải là người bô lão tiêu biểu đại diện cho các tộc Tiền Hiền, trai tráng có phẩm hạnh đạo đức tốt và mạnh khỏe, ăn chay trước 7 ngày. Gồm 1 vị chánh bái, 2 vị bồi tế, 1 chủ xướng, 1 lễ văn, 2 người rót rượu trà và 2 người chiêng trống, áo dài khăn đóng nghiêm cẩn, đạo mạo, tùy lễ việc mà màu sắc áo khăn cũng thay đổi.

Sáng sớm ngày Mồng 8 khi đến giờ đã định, tất cả đều đến rừng Cấm Miếu để cúng trước (Ngày xưa gọi Miếu làng, nơi quy tụ anh linh là miếu thờ chung của các tộc Tiền Hiền. Đây là khu rừng cấm của làng rộng khoảng 10ha ví như “Tâm địa sơn cho làng an lạc” - rừng sinh thái của làng). Lễ phẩm cúng không khác mấy so với lễ tết núi, nhưng có chiêng trống và ban tế lễ. Sau khi hành lễ xong mọi người sẽ rước kiệu vong về đặt vào nhà thờ Tiền Hiền. Đây là bước quan trọng nhất của làng, thể hiện tín ngưỡng tôn kính thần linh, chư vị tiên sơn, thần núi... Bên ngoài nhà thờ có một bàn thiên để cúng hội đồng, thập nhị chư thần, những vong linh tử nạn cùng tất cả cô hồn, cô bác. Kề bên là bàn cúng lễ Khai sơn. Bàn hội đồng lễ vật cúng được chuẩn bị và bày biện thịnh soạn, nhất thiết phải đầy đủ phẩm vật như: hoa quả, rượu trà, cau trầu, gạo muối,  tiền vàng, áo giấy,  cháo nổ,  một mâm cơm, nhất hùng kê hoặc đại thủ lợn. Ngược lại bàn cúng khai sơn chỉ hoa quả, xôi bánh và một bát đường đen cốt đạm bạc mà tinh khiết, đơn giản mà thanh cao. Khi được ban tế lễ cẩn cáo, cung nghinh chư thần an vị, vậy là lễ cúng ngoài đã xong, ban tế lễ tiếp tục vào nhà cúng các chư vị Tiền Hiền, và lúc ấy lần lượt già trẻ, gái trai ai có mặt đều thành tâm đốt nhang khấn vái bái lễ.

Cùng lúc trong nhà thờ thực hiện nghi lễ cúng tế thì ngoài sân chơi cộng đồng, phần hội cũng tiến hành tổ chức. Từ các ngã đường người dân tứ phương tụ tập về đây, ngày càng đông đúc. Bóng chuyền, kéo co, các trò chơi dân gian lần lượt được thi thố tranh tài, lúc cao điểm hoặc hấp dẫn trong các môn thi được khán giả cổ vũ khích lệ, tiếng vỗ tay hoan hô vang dậy cả một vùng. Ngoài việc thi đấu vui chơi thể thao, ngày xưa còn tổ chức bài chòi, bài ghế, về sau còn có lô tô dành cho mọi người đầu xuân ngồi đợi vận may. Tiếng hô cờ, rao thẻ vang xa đủ thôi thúc đôi chân của những người còn chậm bước! Qua một ngày vui chơi hả hê, tối đến dân làng cùng người hành hương được xem một trong các thể loại như: Hát bội, Dân ca – bài chòi, hoặc Ca múa nhạc kịch.

Với lòng hiếu khách đặc trưng của người dân bản xứ, ngoài lễ hội ở trung tâm sinh hoạt cộng đồng, ngày Mồng 8 tháng Giêng cũng là ngày Tết chính thức của gia đình mỗi người nơi đây. Thời chưa mở cửa trở về trước, nhà nhà chuẩn bị cho ngày hội: bánh chưng, bánh tét, bánh nổ, bánh tổ, bánh ít lá gai, thịt heo, bánh tráng… nước chè xanh thơm lừng để tiếp khách du xuân. Cổng làng rộng mở, cửa người rộng mở, kẻ xa người gần, thông gia thân tộc, bất luận quen lạ, già trẻ, gái trai, khi ghé đến nhà thăm xuân chúc tết, đều được trân trọng đón tiếp và thết đãi các đặc sản mang hương vị ngày xuân, mà cũng chỉ vùng này mới có. Diện tích làng không lớn, các xóm cũng cách trở do cấu trúc địa hình đồi núi, nhưng dòng người chơi xuân đã tạo thành một vùng quê di động trong ngày lễ hội. Sau một ngày đêm trẩy hội, khi ra về từ dân làng cho đến khách phương xa ai cũng thầm hoan hỉ, như vừa nhận được một đặc ân lớn của các đấng thần linh miền rừng núi. Vừa thỏa nguyện tâm linh, vừa có một ngày vui xuân giải trí. Đâu đó các đôi nam thanh, nữ tú cũng từ đây có cơ hội tìm lại hai nửa của mình, trở thành lương duyên bách niên giai lão.

Ngày xưa phương tiện đi lại hạn chế nên người đi lễ xa nhất cũng chỉ là các xã lân cận chung quanh như: Duy Trung, Quế Xuân, Quế Phú, Quế Thuận, Quế Châu, và các thôn khác của Quế Hiệp. Tiếng lành đồn xa, ngày nay truyền thông rộng hơn, phương tiện đi lại dễ dàng, đường sá thông thoáng, nên các huyện như Thăng Bình, Duy Xuyên, xa nữa Tam Kỳ, Đà Nẵng vào ngày mùng 8 tháng Giêng cũng có những đoàn người về đây trẩy hội.

Cùng với dấu ấn văn hóa, Nghi Sơn còn là vùng đất mang đậm dấu ấn lịch sử trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Nơi đây đã để lại bao ấn tích đáng ghi nhớ: là căn cứ kháng Pháp của nghĩa quân Hường Hiệu, nơi ở và làm việc của Khu ủy khu V cùng đồng chí Võ Chí Công (tức Võ Toàn) thời tiền khởi nghĩa, là giao lộ huyết mạch độc đạo của tỉnh Quảng Nam cũng như Quảng Đà thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Một làng quê giữa núi, dân số không đông tách riêng một cõi, ấy vậy mà lễ hội Khai sơn Mùng 8 tháng Giêng gợi bao ấn tượng đã đi vào lòng khách thập phương. Có lẽ thiêng khí anh linh rừng núi cùng đất đai quê kiểng đã tạo ra bản sắc văn hóa đặc trưng, từ giọng nói, cách hành xử của người dân nơi đây dễ làm người về lưu luyến. Đến hẹn lại lên, cứ mỗi độ xuân về đây đó lại rủ nhau đi chơi hội.

Nằm cách khu Lễ hội 1km dọc theo đường quốc phòng về phía Đông Bắc là rừng Miếu Cấm. Rừng rộng chừng 10ha, xung quanh được bao bọc bởi những khoảnh ruộng bậc thang xanh mướt. Bước chân vào rừng, cảm giác đầu tiên là thiếu ánh sáng mặt trời. Cái nắng giữa trưa bỗng nhiên chùng xuống, mất hẳn. Có lẽ những tia nắng mặt trời đã không đủ để xuyên qua được những tàn cây rậm rạp của rừng Miếu Cấm. Cái quý nhất của rừng Miếu Cấm đó là giữ được thảm rừng bản địa với đủ loại cây gỗ quý như lim, mít nài, sơn, quỷnh... Người trong làng đã bảo vệ nó bằng những quy định ghi rõ trong hương ước. “Người dân làng không được tùy tiện đốn, chặt cây trong rừng. Mọi người đều có nghĩa vụ phải bảo vệ và truy tố những ai vi phạm đến khu rừng. Làng cũng lập ra đội tuần tra rừng, khi nghe tiếng chặt cây rừng hay có bóng dáng người lạ đi vào rừng là phải bắt giải về “quân cư” để xử phạt. Tùy theo mức độ nặng – nhẹ, ai vi phạm sẽ bị phạt từ 01 ang đến 10 ang lúa”.

Nói về sự linh thiêng của rừng, có nhiều giai thoại dân gian, mang yếu tố tâm linh như chính tên gọi của nó – rừng Cấm Miếu. Theo lời kể của ông Đinh Quốc Toàn: “Miếu Cấm linh lắm! Hồi chiến tranh có tiểu đoàn biệt động quân ngụy vào phóng hỏa đốt rừng. Đang nắng như nung bỗng dưng trời sấm chớp, mưa gió vần vũ, mưa lớn dập tắt đám cháy ngay. Đám quân ngụy sợ quá bỏ chạy khỏi rừng. Ra đến ngoài thì trời vẫn nắng chang chang. Chúng sợ quá từ đó không dám bén mảng vào rừng Cấm nữa. Người dân trong làng còn lan truyền nhau một câu chuyện không kém phần ly kỳ: Năm ấy, có một đoàn cải lương về làng biểu diễn. Chiếc máy phát điện được đặt trên đình tiền hiền, nhưng quay thế nào máy cũng không nổ. Một người mang chiếc máy khác tới, nhưng nó cũng không thèm nổ. Một ông già lúc này mới lên tiếng bảo đưa ra khỏi đình, đặt chỗ khác là nó nổ ngay. Mọi người mang ra khỏi miếu, chỉ giật nhẹ máy đã nổ giòn giã, từ đấy mọi người càng kinh sợ. Đặc biệt, bất cứ ai vào săn thú, chặt củi đều bị “con ma rừng” phạt cho một trận đau ốm, hay năm đó gặp một cái họa. Có người vào đốn cây chỉ để bán củi, về nhà mặt mày sưng phù, phải “giải” bằng cách vào miếu trong rừng khấn nguyện, xin “thần rừng” tha thứ mới tai qua nạn khỏi. Ngạc nhiên hơn, mỗi năm đến ngày giỗ làng, dân tứ phương tề tựu về đây khói hương và mang sản vật đến cúng bái.

Những câu chuyện được truyền lại trong dân gian không ngoài mục đích giáo dục con cháu cần có ý thức bảo vệ, giữ gìn khu rừng quý hiếm ấy. Những câu chuyện linh thiêng khiến khu rừng càng trở nên huyền bí, dù xuất phát từ đâu cũng góp một phần giúp người dân thêm tin vào giá trị của khu rừng mà họ có tình cảm, trách nhiệm phải gìn giữ. Rừng nơi khác, nếu không bị chặt phá thì cũng đất trống đồi trọc. Còn rừng Miếu Cấm vẫn được giữ nguyên vẹn, đảm luôn chức năng phòng hộ, giữ nước, nó được người dân gìn giữ như một “báu vật của làng”.

Với rừng nguyên sinh hàng trăm cây gỗ quý lừng lững chọc trời xanh, những câu chuyện thật huyền bí, đặc biệt về cánh rừng Miếu Cấm. Cạnh đó làng Nghi Sơn nằm thoải mình trên dốc núi đẹp như tranh vẽ, Lễ hội Khai Sơn mang những nét văn hóa đặc trưng, độc đáo… Nghi Sơn sẽ ngày càng thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan, khám phá.

LỄ HỘI KHAI SƠN làng Nghi Sơn đã hình thành và phát triển lâu đời, một nét văn hóa rất tiêu biểu của một vùng miền, góp phần làm nên sức sống và bản sắc của người bản xứ, mà truyền thông báo chí từ lâu thường lui tới đưa tin, bình phẩm, xa gần đều biết. Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam đang phối hợp với huyện Quế Sơn khảo sát để lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội Khai Sơn là Di sản văn hóa cấp Quốc gia. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa và nhân văn, để Lễ Hội Khai Sơn làng Nghi Sơn được xứng tầm với tên gọi của nó, nhằm bảo tồn và phát triển một loại hình văn hóa đáng quý, đáng trân trọng.

Tin liên quan