Cấm Dơi là vùng đồi có diện tích hơn 65.000m2 gồm nhiều tảng đá lớn nằm án ngữ, trải từ miền núi xuống đồng bằng. Trong kháng chiến chống Mỹ, địch đã tận dụng đặc điểm địa hình hiểm trở này để biến Cấm Dơi thành căn cứ quân sự vững chãi.Cụ thể: phía Đông Bắc là hầm chỉ huy với nhiều lô cốt; khu trung tâm trũng là trận địa pháo hỗn hợp; phía Tây lại là khu đóng quân của lực lượng bộ binh. Từ ngoài vào trong được bao bọc với 12 lớp rào kẽm gai, nhiều bãi mìn các loại. Vòng quanh 3 hàng rào trong cùng, chúng xây dựng các con đường đất dùng cho xe tăng tuần tra ban đêm. Một điểm đặc biệt khác phải nhắc đến là hệ thống công sự ba tầng đan xen giữa lô cốt sắt, bê-tông cốt sắt và hệ thống hang đá sẵn có. Với hệ thống hầm hào và công sự chiến đấu kiên cố như thế, thật không ngạc nhiên khi địch xem đây là “ổ khóa” của cánh cửa bảo vệ chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng lúc bây giờ. Quân Mỹ chọn đây làm nơi đóng quân của Lữ đoàn 173 thủy quân lục chiến và đặt tên là căn cứ ROSS. Đến năm 1971, chúng giao lại cho quân ngụy tiếp tục đóng quân và bố trí ở đây một lực lượng hùng hậu với hai trung đoàn là Trung đoàn 5 và Trung đoàn 6 thuộc Sư đoàn 2 Bộ binh ngụy, 1 Trung đoàn thiết giáp. Tổng lực lượng địch ở đây có lúc lên đến khoảng 1.300 quân các loại.
Sau khi kết thúc chiến dịch Hè – 1972 với những chiến thắng vang dội, đầu tháng 7/1972, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu quyết định mở chiến dịch Thu, chủ trương tiêu diệt và làm tan rã lớn lực lượng địa phương và phụ quân của địch, đánh vỡ hệ thống kìm kẹp của địch ở cơ sở, giải phóng và giành làm chủ đại bộ phận nông thôn, đánh bại phản kích “bình định” của địch, giữ vững vùng giải phóng, phát triển mạnh mẽ lực lượng chính trị, quân sự ở địa phương ta.
Về phía ta, lực lượng tiến công Cấm Dơi là Sư đoàn bộ binh 711 Quân Khu 5 cùng các lực lượng địa phương, Sư đoàn 711 bao gồm: Trung đoàn 31, Trung đoàn 38 và Trung đoàn 9 do đồng chí Nguyễn Chơn làm sư đoàn trưởng. Thực hiện chủ trương của Quân khu, ta tập trung mọi lực lượng mở cuộc tiến công và nổi dậy trên địa bàn, cuối tháng 7 năm 1972, Quân khu 5 bắt đầu đánh mạnh vào hệ thống phòng ngự để kéo giãn lực lượng địch, đồng thời chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Quế Sơn. Trong vòng chưa đầy một tháng, Sư đoàn 711 và các lực lượng địa phương đã tiêu diệt các cứ điểm bảo vệ vòng ngoài căn cứ Cấm Dơi từ Bằng Thùng, Đá Hàm, Hòn Chiêng, Động Mông đến Đá Tịnh, Gò Đá.
Với quyết tâm hạ dứt điểm "ổ khoá" Quế Sơn, ngày 18.8.1972 hỏa lực các loại của ta có cả pháo mặt đất 130 ly, hỏa tiễn B72 lần đầu tiên xuất hiện trên chiến trường Khu 5 cùng các đơn vị cối 120 ly, DKZ 75 ly ... dồn dập bắn vào căn cứ Cấm Dơi. Các mũi tiến công của Sư đoàn 711 lần lượt áp sát cửa mở phá hàng rào tấn công địch. Máy bay cường kích A37 của địch với nhiều tốp liên tiếp đánh phá đội hình bộ binh của chúng ta, máy bay B52 ném bom rải thảm nhằm cứu vãn tình thế cho căn cứ Cấm Dơi. Cả khu chiến ngập chìm trong khói lửa cùng tiếng gầm rú của máy bay, tiếng bom pháo, súng nổ liên hồi. Pháo 130 ly và hỏa tiễn B72 của chúng ta tiêu diệt từng mục tiêu kiên cố trong căn cứ của địch. Những trận địa súng máy phòng không 12 ly7 của Sư đoàn 711 đã hiệp đồng chiến đấu đánh nhiều trận, liên tiếp bắn cháy 2 máy bay cường kích A37 của địch khi chúng bổ nhào ném bom vào đội hình bộ binh của chúng ta. Trong lúc hỗn loạn máy bay trực thăng của địch lượn vòng hạ thấp độ cao để tìm đường giải cứu bọn chỉ huy căn cứ Cấm Dơi. Pháo binh của ta tiếp tục bắn cấp tập vào căn cứ Cấm Dơi. Trận địa pháo, bãi đậu máy bay trực thăng, các lô cốt hầm ngầm, sở chỉ huy khu trung tâm Cấm Dơi lần lượt bị tiêu diệt. Bộ binh Sư đoàn 711 nhanh chóng xông lên sử dụng đạn B40, B41 tiêu diệt các ổ đề kháng cuối cùng của địch làm chủ Căn cứ Cấm Dơi. Đến 18 giờ ngày 19.8.1972 trận đánh tiêu diệt căn cứ Cấm Dơi và chi khu, quận lỵ Quế Sơn đã kết thúc.
Chiến thắng Cấm Dơi đánh dấu sự trưởng thành lớn mạnh của bộ đội chủ lực quân khu, lực lượng vũ trang địa phương và phong trào cách mạng của Nhân dân Quế Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất “một tấc không đi, một li không rời”, bất chấp hiểm nguy, vượt qua muôn vàn gian khổ, sống trong mưa bom bão đạn, quyết bám đất giữ làng. Đó cũng là chiến thắng của trí thông minh, lòng quả cảm, ý chí quyết tâm của cán bộ chiến sĩ quân giải phóng, là nghệ thuật chọn cách đánh vây lấn của Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Sư đoàn 711, là khả năng bảo đảm tốt nhất công tác hậu cần kỹ thuật và cũng là thắng lợi của công tác binh - địch vận, sự tham gia về mọi mặt của quân, dân huyện Quế Sơn và các ngành, đoàn thể của tỉnh dưới sự lãnh đạo, chỉ huy thống nhất của Tỉnh uỷ Quảng Nam.
Để góp phần làm nên chiến công vang dội ấy, cùng với sự nỗ lực của quân dân huyện nhà, còn có sự chi viện lớn, đóng góp mồ hôi, xương máu, trọn vẹn nghĩa tình của quân dân huyện Thọ Xuân. Thực hiện lời hứa sắc son trong buổi lễ kết nghĩa giữa hai huyện vào ngày 20/11/1968 tại nơi sơ tán của cơ quan Huyện uỷ Thọ Xuân (xã Bắc Lương), Thọ Xuân đã phát huy vai trò hậu phương lớn, với khẩu hiệu hành động “Vì miền Nam ruột thịt, vì Quế Sơn kết nghĩa, nhân dân Thọ Xuân ra sức thi đua mỗi người làm việc bằng hai, quyết tâm chi viện hết sức mình”, sẵn sàng chia lửa với Quế Sơn. Đã có hàng nghìn người con hăng hái lên đường vào Nam chiến đấu, trong đó có chiến trường ác liệt của huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Những năm tháng chiến tranh ác liệt, những người con ưu tú của Thọ Xuân đã được Nhân dân Quế Sơn hết lòng đùm bọc, chở che; nhiều đồng chí đã chiến đấu kiên cường, vĩnh viễn nằm lại trên đất mẹ Quế Sơn anh hùng.
Với sự giúp đỡ to lớn ấy, Đảng bộ huyện Quế Sơn đã lãnh đạo quân, dân vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, cùng với quân và dân cả nước, đoàn kết, anh dũng chiến đấu, lần lượt làm thất bại mọi chiến lược chiến tranh của Mỹ - Ngụy, lập nên nhiều chiến công hiển hách như chiến thắng Bà Rén, Mộc Bài, Hòn Chiêng, Động Mông - Đá Hàm... đặc biệt là chiến thắng Cấm Dơi vang dội vào tháng 8 mùa Thu năm 1972.
Để ghi nhớ công lao của các chiến sĩ, đồng bào đã hi sinh xương máu, góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy truyền thống cách mạng của địa phương, Huyện ủy, UBND huyện Quế Sơn đã có chủ trương xây dựng một công trình tượng đài kết hợp công viên cây xanh mang tên Tượng đài chiến thắng Quế Sơn. Tượng đài được xây dựng năm 1982, là một khối kiến trúc gồm: Tượng, bệ tượng và 2 mảng tường phù điêu. Tượng cao 7m thể hiện một chiến sĩ quân giải phóng, đầu đội mũ tai bèo cầm súng sát cánh cùng với một nữ du kích, cả hai trong tư thế vươn về phía trước cùng nâng một em bé lên cao. Phía sau là biểu tượng nếp chéo dù bay như đôi cánh. Tượng được đặt trên bệ cao 9m phía dưới là 2 mảng tường phù điêu thể hiện những hình ảnh về cuộc đấu tranh giải phóng quê hương của quân và dân huyện Quế Sơn. Toàn bộ khối kiến trúc Tượng đài được xây dựng tại vị trí cao nhất của đồi Cấm Dơi.
Năm 1993 tượng đài được trùng tu lại, lát đá sân nền. Tháng 2/2005, được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Tháng 6/2012, Khu di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Năm 2015 được trùng tu và xây Nhà bia di tích.
Hôm nay, đứng trước Tượng đài chiến thắng Quế Sơn, chúng ta luôn ghi nhớ công lao của bao chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh cho quê hương Quế Sơn mãi đẹp giàu, ấm no, hạnh phúc, trong đó có một phần xương máu của nhân dân Thọ Xuân. Biểu tượng chiến thắng Quế Sơn sẽ mãi ghi sâu trong tâm khảm của mọi người dân Quế Sơn, động viên, nhắc nhở thế hệ trẻ, Nhân dân huyện nhà luôn sống xứng đáng với truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương, xứng đáng với những đóng góp to lớn của Nhân dân Thọ Xuân và xứng đáng với nghĩa tình gắn bó keo sơn giữa hai huyện Quế Sơn – Thọ Xuân mà thế hệ cha ông đã dày công vun đắp.