Hiện trạng mạng lưới đường sông

Quảng Nam có 941 km sông ngòi tự nhiên, đang quản lý và khai thác 307 km sông (chiếm 32,62%), gồm 11 sông chính. Hệ thống sông hoạt động chính gồm 2 hệ thống: sông Thu Bồn và sông Trường Giang, hai hệ thống sông này đều đổ ra biển Đông theo 3 cửa sông: sông Hàn, Cửa Đại và Kỳ Hà.

         - Sông Trung ương quản lý: dài 132 km, gồm: Đoạn 1 sông Thu Bồn, sông Trường Giang.
       - Toàn bộ đường sông đang khai thác vận tải thuỷ của tỉnh Quảng Nam dài 207 km, gồm 11 tuyến: Sông Thu Bồn, sông Trường Giang, sông Vu Gia, sông Yên, sông Vĩnh Điện, sông Hội An, sông Cổ Cò, sông Duy Vinh, sông Bà Rén, sông Tam Kỳ và sông An Tân.
1.   Sông Thu Bồn: dài 95 km gồm 2 đoạn.
        - Đoạn 1: dài 65 km, điểm đầu là Nông Sơn, điểm cuối là Cửa Đại, do Trung ương quản lý.
        - Đoạn 2: dài 30 km, điểm đầu là ngã ba sông Tranh, điểm cuối là Nông Sơn, do địa phương quản lý.
        Tuyến sông chạy trên địa bàn thị xã Hội An và các huyện: Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn. Tuyến sông Thu Bồn được chia thành 3 đoạn.
        Đoạn từ ngã ba sông Tranh đến Nông Sơndài 30 km, là sông cấp VI .
        Đoạn từ Nông Sơn đến ngã ba Vĩnh Điện dài 48 km, là sông cấp V, tuyến sông đi qua vùng miền núi có chiều rộng bình quân 100 m - 120 m, độ sâu trên các đoạn cạn mùa kiệt từ -0,5 m đến -0,8 m; chiều rộng luồng chạy tàu là 20 m - 30 m, đặc biệt có những vị trí luồng chỉ rộng 10 m - 15 m. Đoạn sông có nhiều bãi đá ngầm, mùa lũ nước chảy xiết, gây trở ngại cho các hoạt động trên tuyến.
        Đoạn từ ngã ba Vĩnh Điện đến thị xã Hội An dài 17 km đạt tiêu chuẩn sông cấp IV nối từ ngã ba Vĩnh Điện đến thị xã Hội An, lòng sông rộng từ 100 m - 300 m, trên tuyến sông có nhiều bãi cạn, khi nước kiệt độ sâu luồng chỉ đạt từ -0,5 m đến -0,8 m. Đoạn sông này rất thuận tiện cho việc xây dựng cảng.
2.     Sông Trường Giang.
        Dài 67 km, điểm đầu là ngã ba An Lạc và điểm cuối là Kỳ Hà, do Trung ương quản lý. Trong đó có 16 km thuộc sông cấp V, 51 km là sông cấp VI. Tuyến sông chạy dọc theo bờ biển phía Đông tỉnh Quảng Nam, nối liền với thị xã Hội An, Tam Kỳ và các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành. Là tuyến sông có luồng lạch không ổn định do lòng sông bị bồi cạn, nguyên nhân do việc hình thành đập Cổ Linh làm ảnh hưởng đến chế độ thuỷ triều từ Cửa Đại tới cửa Kỳ Hà. Hiện tại trên tuyến có nhiều chướng ngại vật và nhiều bãi cạn do các công trình vượt sông như cầu, đập thuỷ lợi, đường điện ... không đảm bảo các thông số kỹ thuật.
        - Khoảng không thông thuyền chỉ đạt 4 m - 5 m.
        - Tĩnh không thông thuyền chỉ đạt 1,4 m - 2 m.
        - Các bãi cạn đa số kéo dài 2 - 3 km, chỗ cạn nhất mực nước chỉ đạt 0,4 - 0,6 m, nhiều đoạn sông hẹp, chiều rộng lòng sông chỉ đạt 30 - 50 m.
3.     Sông Vu Gia.
        Dài 52 km, điểm đầu là ngã ba Quảng Huế, điểm cuối là bến Giằng, do địa phương quản lý. Là hợp lưu của sông Thu Bồn đạt tiêu chuẩn sông cấp VI, tuyến sông này chạy trên địa bàn huyện Nam Giang và huyện Đại Lộc. Đây là tuyến sông có vai trò quan trọng trong vận tải hàng hoá và hành khách đường sông của tỉnh Quảng Nam. Trên tuyến sông, vào mùa nước trung thì tàu thuyền có thể khai thác thuận lợi, sang mùa cạn chỉ khai thác được đến ngã ba Thượng Đức với chiều dài 23 km. Tuyến sông Vu Gia được chia thành 4 đoạn:
        - Đoạn từ bến Giằng đến Thạnh Mỹ: đoạn này không thuận lợi cho việc khai thác vận tải, lượng tàu thuyền đi lại rất ít, nguyên nhân chính là địa hình thuộc huyện miền núi nên bờ sông dốc đứng, nhiều thác ghềnh và đá ngầm.
        - Đoạn từ Thạnh Mỹ đến Hà Nha: đoạn sông này chỉ khai thác được các loại phương tiện có trọng tải khoảng 5 tấn và tàu khách loại 30 ghế.
        - Đoạn từ Hà Nha đến ái Nghĩa: đoạn sông này thuận lợi cho việc khai thác mùa nước trung, mùa nước kiệt phương tiện đi lại gặp nhiều khó khăn; nguyên nhân chính bởi có nhiều bãi cạn trên luồng.
        - Đoạn từ ái Nghĩa đến Đại Hiệp: đoạn sông này phương tiện hoạt động thuận lợi, độ sâu trung bình 1,0 m.
4.     Sông Yên.
        Dài 12 km, có điểm đầu là ngã ba Quảng Huế và điểm cuối là ranh giới thành phố Đà Nẵng, do địa phương quản lý.         Tuyến sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có dòng sông hẹp, nhiều đoạn cạn và có đập Pa Ra An Trạch chắn ngang. Đoạn từ ngã ba sông Yên đến Đại Hiệp đạt tiêu chuẩn VI.
5.     Sông Vĩnh Điện.
        Dài 12 km, điểm đầu tại km 43 + 500 sông Thu Bồn và điểm cuối là cầu Tứ Câu, do địa phương quản lý. Là sông cấp V, chảy qua 5 xã và 1 thị trấn thuộc huyện Điện Bàn. Đoạn sông này hẹp, có dòng chảy ổn định, thuận lợi cho việc khai thác vận tải thủy. Sông Vĩnh Điện nối giữa sông Thu Bồn và sông Hàn tạo thành tuyến vận tải thủy giữa thị xã Hội An, Vĩnh Điện và Đà Nẵng.
6.     Sông Hội An (sông Hoài).
        Dài 11 km, điểm đầu là ngã ba sông Thu Bồn tại km 54 + 400 và điểm cuối  là km 63 + 00 sông Thu Bồn, do địa phương quản lý. Nằm trên địa phận thị xã Hội An, lòng sông có độ sâu ổn định thuận tiện cho các loại phương tiện hoạt động. Đạt tiêu chuẩn kỹ thuật sông cấp III.
7.     Sông Cổ Cò (sông Đế Võng).
        Dài 27,5 km có điểm đầu tại cửa Đại và điểm cuối nối vào sông Hàn thành phố Đà Nẵng do địa phương quản lý, tuyến chạy dọc bờ biển phía Bắc của tỉnh Quảng Nam bắt đầu từ ngã ba sông Hàn đến cửa Đại, được phân làm 2 nhánh.
        - Nhánh phía Bắc dài 8,5 km nằm trên địa phận Đà Nẵng.
        - Nhánh phía Nam dài 19 km (nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam), nhánh này còn gọi là sông Đế Võng. Đoạn tuyến sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện đang khai thác dạng sông tự nhiên, được phân làm 2 đoạn:
        * Đoạn 1:       Dài 12 km bắt đầu từ đập Điện Dương đến Cửa Đại, rộng bình quân 100 m, độ sâu trung bình 0,8 - 1,0 m.
        * Đoạn 2:       Dài 7 km, từ đập Điện Dương đến giáp Đà Nẵng, hiện tại đoạn này lòng sông cạn, hai bên bờ là các khu canh tác nông nghiệp, không khai thác được vận tải.
8.     Sông Duy Vinh.
        Dài 12 km, điểm đầu tại km 50 + 800 sông Thu Bồn và điểm cuối là km 5 + 700 sông Trường Giang, do địa phương quản lý. Là sông cấp V chiều rộng bình quân 100 m, độ sâu 1 - 1,5 m. Về mùa kiệt độ sâu chạy tàu chỉ đạt 1 m. Trên tuyến có 2 bãi cạn và 2 cầu, đặc biệt cầu máng Duy Vinh có tĩnh không thông thuyền thấp hơn 2 m.
9.     Sông Bà Rén.
        Dài 32 km, điểm đầu tại km 5 + 700 sông Trường Giang và điểm cuối là ngã ba Vạn Lý (phân lưu của sông Thu Bồn)..
        - Đoạn từ km 5 + 700 sông Trường Giang đến cầu Bà Rén dài 11 km đang khai thác, độ sâu trung bình 1 m, chiều rộng sông 80 - 120 m. Sông cấp V do địa phương quản lý.
        - Đoạn từ cầu Bà Rén đến cầu đường sắt Duy Xuyên dài 4 km, mực nước thấp không khai thác vận tải được.
        - Đoạn từ cầu đường sắt Duy Xuyên đến ngã ba Vạn Lý dài 17 km về mùa kiệt hầu như cạn hoàn toàn.
10.   Sông Tam Kỳ.
        Dài 16 km, điểm đầu tại km 58 + 200 sông Trường Giang và điểm cuối là đập phía trên cầu đường sắt Tam Kỳ, do địa phương quản lý, tuyến sông đạt cấp VI, bắt đầu từ hồ Phú Ninh đổ về sông Trường Giang (xã Tam Tiến - huyện Núi Thành). Sông Tam Kỳ chịu ảnh hưởng của vùng hồ Phú Ninh, độ sâu trung bình -0,7 m đến -1,0 m, hiện tại đang khai thác dạng tự nhiên. Phương tiện hoạt động trên tuyến chủ yếu là tàu loại 5 - 10 tấn chở vật liệu xây dựng và tập kết tại bến Tam Kỳ.
11.   Sông An Tân.
        Dài 7,5 km, điểm đầu tại ngã ba sông Trường Giang và điểm cuối là cầu Tam Mỹ, đây là tuyến sông đang khai thác ở dạng tự nhiên với chiều dài 7,0 km (từ ngã ba Trường Giang đến cầu đường sắt An Tân), dòng sông chảy uốn khúc, có nhiều chi lưu tạo thành những bãi cạn, độ sâu trung bình của sông -0,8 đến -1,0m.
        Hiện tại trên tuyến sông các loại phương tiện có trọng tải 5 - 10 tấn hoạt động để vận chuyển vật liệu xây dựng và thuỷ sản từ Kỳ Hà đến Núi Thành. Trong tương lai khi khu công nghiệp Chu Lai - Kỳ Hà và Dung Quất đi vào hoạt động mạnh thì tuyến sông An Tân sẽ là điểm phát triển và cần xây dựng. Hiện tại tuyến sông đạt tiêu chuẩn cấp VI.
        Nhìn chung, hệ thống các tuyến đường sông của tỉnh Quảng Nam hoạt động chủ yếu là tuyến Trường Giang - Thu Bồn - Vĩnh Điện. Đây là những tuyến sông quan trọng vận chuyển trong nội tỉnh, đồng thời kết nối với cụm cảng Tiên Sa, sông Hàn của thành phố Đà Nẵng.
        - Phương tiện vận tải chủ yếu trên các tuyến là loại có trọng tải 5 - 10 tấn, vận chuyển trên các tuyến ngắn có cự ly 20 - 50 km . Ngoài các tuyến chủ yếu trên, còn lại hầu hết hoạt động dạng sông tự nhiên.
        - Các bến sông trên địa bàn tỉnh hầu hết ở dạng bến tự nhiên, duy chỉ có bến Hội An dài 100 m có cầu tàu bê tông cốt thép, còn lại bến tạm bằng gỗ. Cơ sở hạ tầng của các bến đều tạm bợ.
        
Do những yếu tố trên nên vận tải đường sông của tỉnh Quảng Nam những năm qua chiếm khoảng 25 - 30% tổng khối lượng hàng hoá vận chuyển của tỉnh và 5 - 8% khối lượng hàng hoá luân chuyển.

Tin liên quan